Các hoạt động Chùa Hổ

Thành lập

Ngay từ khi thành lập vào năm 1994, chùa Wat Pa Luangta Bua đã nổi danh là nơi ẩn náu cho thú rừng. Sự việc bắt đầu khi dân làng mang đến nhà chùa một con chim rừng bị thương, nhờ các thầy chăm sóc. Tiếng kêu của con chim này lại thu hút nhiều đàn chim khác kéo đến. Một con heo rừng bị thương vô tình chạy lạc vào chùa cũng được chữa trị, nhưng khi các thầy thả nó trở lại vào rừng, con heo lại đưa cả gia đình gồm 10 con khác quay trở lại chùa, và đến nay có vô số lợn rừng cư trú tại đây. Dân làng quanh vùng còn mang đến đây cả những con thú mà họ không muốn nuôi: trâu, bò, ngựa, nai, dê rừng, vượn. Tất cả tạo thành một bầy thú đông đúc, được thả rong trong khu đất rộng lớn của nhà chùa. Năm 1999, họ nhận hổ con đầu tiên từ những người dân trong làng gần đó. Sau đó con vật chết, nhưng người ta tiếp tục mang những con hổ khác tới đây và có 150 con hổ đang sống trong chùa[5].

Nuôi hổ

Một nhà sư đang cho hổ bú bình

Có một hổ cái con chừng vài thàng tuổi, bị suy kiệt và đầy vết thương. Cả hàm răng, nhất là răng nanh bị mài mòn đến sát lợi. Mẹ nó đã bị các tay săn trộm giết chết gần vùng biên giới Thái Lan - Miến Điện. Hổ con được bán cho những người làm thú nhồi, nhưng may mắn thoát chết dù đã bị tiêm phooc-môn (chất bảo quản) vào cổ. Nhờ sự chăm sóc tận tình của các thầy, hổ con dần hồi phục. Tuy vậy, năm tháng sau đó, con hổ này chết vì bệnh.

Chỉ vài tuần lễ sau khi con hổ con đầu tiên chết tại chùa Wat Pa Luangta Bua, bốn con hổ đực khỏe mạnh được dân địa phương mang đến chùa và sau đó cảnh sát tuần tra biên giới lại tịch thu, giao thêm được bốn con hổ cái tạo thành một bầy hổ trong chùa. Thời gian trôi qua, những chú cọp này trưởng thành, sinh sản và hiện nay đã có 34 con, chúng rất hiền lành, ai cũng có thể sờ, vuốt ve hoặc ngồi bên cạnh để chụp hình[6].

Thuần hóa hổ

Tại ngôi chùa, các nhà tu hành thuần dưỡng hổ bằng tay không. Ở chùa, hổ được nuôi bằng thịt gà, thịt bò nấu chín, nhất là trong thời gian xảy ra dịch cúm gia cầm. Chúng còn được bổ sung thức ăn khô dành riêng cho mèo nhằm tăng dưỡng chất. Do thịt được nấu chín nên hổ không còn nhận được mùi tanh của máu tươi. Đồng thời, do được các thầy nuôi từ nhỏ nên chúng gắn bó, thân thiện với con người, quen với việc khách đến tham quan và dễ dàng chấp nhận chụp ảnh kỷ niệm với khách.

Theo sư Pra-Acharn Phusit cho biết: “Người con Phật tin có tái sanh, vì thế tôi cho rằng những chú cọp này đã từng là thân thích họ hàng của tôi trong quá khứ. Tôi nghĩ thú vật cũng có những đặc điểm giống như con người, chúng cũng biết đói, biết tức giận, biết mệt…Vì thế tôi đã áp dụng lòng thương tưởng và cái biết của mình để nuôi dưỡng thuần hóa chúng.[6]

Hổ được nuôi ở đây chưa bao giờ tấn công người, chỉ đôi khi gầm gừ có vẻ phản đối, nhưng lại dịu đi sau vài cái vuốt ve. Các thầy phụ trách việc nuôi dạy hổ luôn kiểm soát được mọi hành vi của chúng. Không một thầy nào tại chùa Wat pa Luangta Bua được huấn luyện vể kỹ năng nuôi dạy thú, nhưng chỉ với tấm lòng trắc ẩn bao dung, họ tự rút ra bài học kinh nghiệm khi chăm sóc chúng. Các thầy trong không gian nhà chùa đều không hề bị tiêm chất thuốc nào làm cho chúng trông hiền đi.

Dịch vụ

Du khách phương Tây chụp ảnh hổ tại chùa

Các nhà sư trong một chùa ở miền tây Thái Lan thuần hóa những con hổ lớn, hung dữ để chúng trở nên thân thiện với con người. Rất nhiều du khách tới chùa để ngắm đàn hổ[5]. Khi thăm chùa, du khách phải trả khoảng 20 USD cho mỗi lần thăm chùa Wat Pha Luang Ta Bua tức chùa Hổ nằm ở tỉnh Kanchanaburi, phía tây thủ đô Bangkok, Thái Lan. Tại đây, du khách có cơ hội nhìn ngắm chúa sơn lâm sống gần gũi, thân thiện bên cạnh con người. Du khách sẽ mất thêm 30 USD nếu muốn cho hổ con ăn hoặc chụp ảnh chung với những con hổ trưởng thành[1].

Cảnh báo

Bài chi tiết: Hổ vồ người

Một trong những con hổ lớn nhất trong chùa có trọng lượng khoảng 300 kg. Nó sống ở Chùa trong 7 năm qua. Thông thường, bầy hổ tỏ ra rất thân thiện với các nhà tu hành và du khách. Tuy nhiên, bản năng hoang dã khiến chúng có thể tấn công người nuôi dưỡng bất kỳ lúc nào. một con hổ lớn đã tấn công trụ trì Luang Ta Jan, người đã thuần dưỡng nó. May mắn thay, vết thương không gây nguy hiểm tới tính mạng của ông, con vật không định tấn công ông. Những vết xước nó gây ra giống cách một con mèo tấn công chủ. Tuy nhiên, tình hình trở nên nghiêm trọng vì móng vuốt của con hổ lớn hơn rất nhiều so với móng vuốt của mèo. Các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã cho rằng các nhà sư không phải là đối tượng phù hợp để nuôi hổ. Họ cũng cảnh báo nguy cơ chúng tấn công du khách[5].

Liên quan

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chùa Hổ http://dulich.vnexpress.net/tin-tuc/quoc-te/quen-o... http://dulich.vnexpress.net/tin-tuc/quoc-te/thai-l... http://www.tigertemple.org/ http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/phat-hien-40-xac... http://news.zing.vn/be-boi-chua-ho-he-lo-hoat-dong... http://news.zing.vn/nha-tu-hanh-huan-luyen-ho-tron... http://news.zing.vn/phat-hien-40-xac-ho-tai-chua-t... http://news.zing.vn/phat-hien-them-20-lo-chua-xac-... https://commons.wikimedia.org/wiki/Category:Tiger_... https://giacngo.vn/PrintView.aspx?Language=vi&ID=7...